Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

‘Chuẩn’ đánh giá sự tăng trưởng của trẻ

Không bé nào đạt mốc tăng trưởng giống bé nào? Vì thế đây là một vấn đề đau đầu đối với tất cả các cha mẹ về cân nặng hay chiều cao của bé. Có bé thừa cân năng nhưng lại thiếu chiều cao hoặc ngược lại. Nhưng cũng có những trường hợp phát triển rất tốt, cũng xãy ra những vấn đề làm bố mẹ không hề mong muốn.

Không bé nào đạt mốc tăng trưởng giống bé nào. Vậy, làm sao để đánh giá đây? (Ảnh minh họa).
Không bé nào đạt mốc tăng trưởng giống bé nào. Vậy, làm sao để đánh giá đây? (Ảnh minh họa).

Khi các phụ huynh đưa con đi khám định kỳ, một trong các mối lo hay quan tâm nhất là cân nặng và chiều cao của bé. Ai cũng muốn con mình thật cao to sau này, nên nếu như từ giai đoạn đầu đời bé có nhỏ hơn những bạn bè hay có ai đó nhận xét con mình nhỏ quá thì các phụ huynh đó lại lo sốt vó và … thi nhau nhồi nhét hết những thức ăn đồ uống (sữa) vào bé, để rồi gây ra bao nhiêu "cuộc chiến" trong gia đình, có thể đó là "cuộc chiến" không cân sức giữa một đứa bé và phần còn lại của gia đình (ông bà, cha mẹ, cô chú, hay thậm chí các cô bảo mẫu). Mặt khác, khi đi khám định kỳ, sau khi cân đo đong đếm xong, bác sĩ nhìn vào cân nặng hay chiều cao và phán rằng “ở tuổi này bé phải được x kg hay y cm, giờ bé được có …, vị chi (?) bé thiếu ….”. Vậy là lại xảy ra một "cuộc chiến" nữa! Vậy làm sao để đánh giá tăng trưởng của bé xem bé có bình thường hay không?
Muốn trả lời câu hỏi trên, trước hết phải hiểu được những khái niệm về con số thống kê. Không có ai giống ai cả, không có bé nào giống bé nào, và cũng không có sự tăng trưởng nào giống sự tăng trưởng nào. Các bạn cũng đã thấy người lớn cũng có người cao người thấp, người đẫy đà hay người gầy. Tất cả những người đó đều làm việc và sống bình thường. Trẻ em cũng vậy, có bé cao bé thấp, có bé to bé nhỏ, và quan trọng là tất cả các bé đó đều hoạt động và phát triển bình thường.
Để đánh giá chỉ số cân nặng hay chiều cao bình thường ở 1 độ tuổi nào đó, người ta chọn ngẫu nhiên nhiều đối tượng khỏe mạnh ở độ tuổi đó và tính toán con số trung bình (ví dụ đo chiều cao 1000 bé và chia tổng chiều cao đo được cho 1000, sẽ được con số trung bình). Do đó, đương nhiên con số trung bình đó sẽ nằm ở khoảng giữa, và đương nhiên là có những bé sẽ có cân nặng hay chiều cao lớn hơn hay nhỏ hơn con số trung bình đó. Những bé có cân nặng hay chiều cao thấp hơn con số trung bình đó vẫn hoàn toàn là những bé bình thường và khỏe mạnh. Từ con số trung bình đó, người ta cộng trừ 2 độ lệch chuẩn (+/- 2 SD) sẽ được 1 khoảng bao gồm 95% dân số ở tuổi đó. Nếu như cân nặng hay chiều cao nằm trong khoảng 95% dân số lứa tuổi đó thì có thể xem là “bình thường”.
Tuy nhiên, con số trung bình và khoảng bình thường đó còn tùy thuộc vào mẫu dân số được đo, nên cũng có những “con số trung bình” hay “khoảng bình thường” khác nhau dựa trên mẫu dân số khác nhau. Những những con số trung bình hay khoảng bình thường đó không khác nhau nhiều lắm. Đến đây, tôi đưa ra thêm khái niệm bách phân vị (percentile). Bách phân vị là con số cho thấy con bạn nặng hơn hay cao hơn bao nhiêu bé khác  trong 100 bé cùng lứa tuổi và giới tính.
Giả sử trên biểu đồ cân nặng, con bạn có cân nặng ở vào bách phân vị thứ 20 thì điều đó có nghĩa là con bạn có cân nặng lớn hơn 20% những bé khác cũng tuổi (nặng hơn 20 bé và nhẹ hơn 80 bé trong 100 bé cùng lứa tuổi). Một bé có cân nặng hay chiều cao ở bách phân vị thứ 5 thì cũng hoàn toàn bình thường và khỏe mạnh như một bé có cân nặng hay chiều cao ở bách phân vị thứ 80. Những khác biệt về cân nặng và chiều cao đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền (gene), chủng tộc, môi trường, v.v...
Điều quan trọng nhất là con bạn có tăng trưởng theo tốc độ được dự đoán hay không. Muốn biết được tốc độ tăng trưởng thì phải theo dõi 1 quá trình. Giả sử con bạn có cân nặng ở bách phân vị thứ 10, và trong những lần đi khám định kỳ, bé vẫn tăng trưởng ở kênh bách phân vị thứ 10 đó (có thể xê dịch qua lại 1 chút, tùy thuộc vào tốc độ tăng trưởng của từng thời kỳ, nhưng nói chung vẫn đi lên theo hướng của kênh đó). Điều đó có nghĩa là con bạn vẫn tăng trưởng hoàn toàn bình thường.
Mặt khác, nếu 1 bé có cân nặng ở mức bách phân vị thứ 60, nhưng qua quá trình theo dõi, cân nặng của bé liên tục chuyển qua kênh khác, qua mức bách phân vị 50, rồi 40, rồi 30 v.v..., thì bé này có thể có vấn đề về tăng cân. Tuy nhiên, vì cân nặng tăng sụt rất nhanh nên nó là một chỉ số phản ánh dinh dưỡng không được trung thực lắm (cũng có khi nó “nói dối”). Sự tăng trưởng về chiều cao phản ánh dinh dưỡng trung thực hơn. Nếu qua quá trình theo dõi, bé vẫn tăng trưởng chiều cao theo kênh của bé và bé vẫn phát triển trí não và vui chơi lanh lợi bình thường thì có nghĩa là bé vẫn tăng trưởng bình thường.
Do đó, không thể phán quyết rằng “ở 1 tuổi thì bé phải nặng 9,5kg, hiện giờ bé chỉ nặng có 8,5kg, vị chi bé thiếu 1kg, do đó bé phải uống x ml sữa mỗi ngày, ăn …. và …..”. Con số 9,5 kg đó chỉ là con số trung bình, chứ không phải con số tối thiểu phải đạt được. Điều quan trọng là cân nặng của bé nằm ở bách phân vị thứ bao nhiêu và có tăng lên đều đều theo kênh bách phân vị đó hay không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét